Trẻ tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác xã hội kém. Do đó, để cải thiện tốt vấn đề này, các chuyên gia thường khuyến khích các bậc phụ huynh cùng trẻ tự kỷ chơi các trò chơi tương tác để giúp cho trẻ nên năng động và hoạt bát hơn.
Ảnh: Hướng dẫn chơi với trẻ tự kỷ: Những hoạt động hiệu quả và thú vị
Vai trò của các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ
Tự kỷ hiện nay không còn là một hội chứng xa lạ đối với nhiều người. Theo số liệu thống kê nhận thấy, tỷ lệ trẻ em mắc phải chứng tự kỷ đang ngày càng gia tăng đáng kể và gây nên nhiều ảnh hưởng to lớn đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Trẻ tự kỷ tuy không có sự khác biệt quá lớn về ngoại hình, vóc dáng nhưng trẻ gặp phải nhiều khiếm khuyết về các khía cạnh trong cuộc sống. Đặc điểm nổi bật của những đứa trẻ mắc phải tình trạng này đó chính là sự hạn chế về khả năng sử dụng ngôn ngữ, lời nói để giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh.
Tự kỷ bao gồm rất nhiều các rối loạn phát triển thần kinh có liên quan đến não bộ. Người bệnh tự kỷ thường bị suy giảm về mặt nhận thức, trí tuệ, họ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hành vi, cảm xúc của chính mình.
Các triệu chứng này khiến cho người bệnh khó có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, làm cản trở rất lớn đối với quá trình phát triển trong tương lai của mỗi cá nhân. Thậm chí có nhiều trường hợp không được phát hiện và can thiệp kịp thời còn khiến cho bệnh nhân dần mất đi khả năng tự chăm sóc và bảo vệ cho chính mình, họ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ có khả năng giúp trẻ năng động, linh hoạt hơn trong giao tiếp.
Ảnh: Các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ có khả năng giúp trẻ năng động, linh hoạt hơn trong giao tiếp
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chuyên gia thì tự kỷ nếu có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp thì hoàn toàn có thể cải thiện, trẻ nhỏ vẫn phát triển tốt các kỹ năng và hòa nhập với cộng đồng.
Mặc dù vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị tận gốc nào được xác định nhưng thông qua quá trình giáo dục, trị liệu kết hợp với những phương pháp hỗ trợ an toàn khác, trẻ tự kỷ vẫn có thể dần cải thiện các khiếm khuyết và trở nên năng động, gần gũi hơn với mọi người xung quanh.
Đối với những trẻ tự kỷ thiếu tương tác xã hội, hay thờ ơ, vô tâm với hầu hết các hoạt động diễn ra bên ngoài thì có thể được ưu tiên áp dụng cải thiện bằng các trò chơi để tăng sự giao tiếp. Trẻ tuy có xu hướng thích chơi một mình nhưng lại rất cần sự quan tâm, chăm sóc và đồng hành của những người thân bên cạnh.
Vì thế, cha mẹ và gia đình nên chơi cùng trẻ, tìm hiểu và áp dụng các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ để có thể giúp trẻ cải thiện tốt khả năng giao tiếp, giúp trẻ hòa đồng và gắn kết hơn với mọi người. Bên cạnh đó, những trò chơi này còn có thể kích thích các hoạt động thể chất của trẻ nhỏ, giúp trẻ linh hoạt hơn về các vận động cơ thể, hạn chế được những hành vi rập khuôn.
Một số lợi ích đáng kinh ngạc của những trò chơi tương tác dành cho trẻ tự kỷ như:
Ảnh: chơi tương tác với trẻ tự kỷ
- Giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội để khám phá những điều thú vị xung quanh cuộc sống.
- Gia tăng khả năng giao tiếp, tương tác và sử dụng ngôn ngữ, lời nói ở trẻ tự kỷ.
- Giúp trẻ có thể quan sát vấn đề kỹ lưỡng hơn.
- Hỗ trợ cải thiện về thể chất, kích thích hoạt động cơ thể, hạn chế các hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Nâng cao hoạt động nhận thức, trí não, tư duy.
- Kích thích các giác quan, khắc phục tình trạng rối loạn cảm giác ở trẻ tự kỷ.
- Giúp trẻ tự kỷ ứng phó tốt với những tình huống xã hội.
- Cải thiện cảm xúc, giúp trẻ bộc lộ suy nghĩ, mong muốn một cách rõ ràng hơn.
- Các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ giúp trẻ có thể tự chủ hơn.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Trần Văn Công thì việc trẻ tự kỷ bị hạn chế về mặt tương tác sẽ gây nên nhiều khó khăn trong cuộc sống của trẻ. Đồng thời, đây cũng là một trong các trở ngại lớn đối với quá trình can thiệp ở trẻ.
Chính vì thế, để cải thiện khiếm khuyết này, trẻ cần được tương tác nhiều hơn và để tương tác tốt với trẻ, cha mẹ cần dựa trên những nhu cầu, sở thích của trẻ nhỏ. Nếu trẻ không có những hứng thú cá nhân thì hãy bắt đầu tìm đến các trò chơi tương tác và tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút từ đó.
Gợi ý một số trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ tại nhà
Các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình cải thiện khả năng giao tiếp và giúp trẻ năng động hơn. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không có nhiều hứng thú đối với những hoạt động này và trẻ cũng có xu hướng thích chơi một mình, ngại tương tác và gần gũi với những người xung quanh.
Chính vì thế, cha mẹ và người thân cần phải linh hoạt trong việc lựa chọn các trò chơi phù hợp với sở thích và linh hoạt trong cách chơi để có thể tạo được sự hấp dẫn, hứng thú cho trẻ nhỏ. Dưới đây là một số gợi ý về các trò chơi giúp cho trẻ tự kỷ cải thiện tốt khả năng tương tác mà các bậc phụ huynh nên áp dụng.
1. Trò chơi ú òa
Chắc hẳn hầu hết các ông bố bà mẹ đã quá quen thuộc với trò chơi ú òa và trẻ nhỏ cũng vô cùng thích thú đối với điều này. Trò chơi này không chỉ giúp trẻ có thể vui vẻ, thoải mái với những tiếng cười mà còn có khả năng kích thích hoạt động của não bộ, hỗ trợ cải thiện tốt kỹ năng tương tác của trẻ tự kỷ với một người xung quanh.
Ảnh: Trò chơi ú òa
Trò chơi “Ú òa” có thể áp dụng hiệu quả cho các trẻ tự kỷ ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Tùy vào từng độ tuổi của trẻ mà cha mẹ cũng sẽ có những cách chơi ú òa phù hợp và hiệu quả đối với con. Cụ thể như sau:
Đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi:
Bước 1: Nắm lấy hai bàn chân của trẻ
Bước 2: Khép hai bàn chân của trẻ lại và úp mặt của bạn vào sau đó
Bước 3: Lúc úp bàn chân bé lại thì hãy nói “Ú” và khi mở bàn chân ra, để lộ gương mặt của bạn thì hãy nói “Òa”.
Bước 4: Liên tục lặp lại nhiều lần như thế theo nhịp “Ú òa”.
Đối với trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi:
Bước 1: Tự lấy hai tay của bản thân để chia mặt lại trong khoảng vài giây.
Bước 2: Chờ đợi phản ứng của trẻ.và nói “Ú”
Bước 3: Mở bàn tay ra để lộ gương mặt của bạn một cách bất ngờ và nói “Òa”.
Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên:
Bước 1: Hướng dẫn bé cách sử dụng bàn tay để úp vào mặt
Bước 2: Sau đó, phụ huynh cùng úp mặt vào tay của chính mình và cùng trẻ nói “Ú”
Bước 3: Sau đó hãy cùng trẻ nói “òa” và cả hai cùng mở tay để nhìn mặt nhau.
Sau khi nhận thấy trẻ thích ứng tốt hơn với trò chơi này, cha mẹ có thể nâng cấp nó thành các mức độ phức tạp và mở rộng không gian chơi hơn. Ví dụ như ú òa bằng một quyển sách, một bức tường, một người,….Bằng cách này, trẻ không chỉ được gia tăng sự tương tác với người chơi cùng mà còn kích thích hoạt động của não bộ, giúp trẻ có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra sau khi lộ mặt.
Bạn đang xem: Hướng dẫn chơi với trẻ tự kỷ: Những hoạt động hiệu quả và thú vị
2. Trò chơi Chi chi chành chành
Ảnh: Trò chơi Chi chi chành chành
Chi chi chành chành là một trò chơi dân gian quen thuộc với nhiều trẻ nhỏ. Trò chơi này rất đơn giản, có thể chơi ở nhiều không gian khác nhau và không cần bất kỳ dụng cụ nào hỗ trợ. Số người chơi có thể linh động từ tối thiểu 2 người trở lên.
Chi chi chành chành là trò chơi dân gian quen thuộc giúp trẻ tự kỷ phản xạ tốt hơn.
Khi áp dụng trò này cho trẻ tự kỷ, có thể giúp cho trẻ linh động hơn trong việc hoạt động tay, phản xạ nhanh và kích thích sự tương tác, giao tiếp ở trẻ. Để cùng trẻ chơi trò chơi này, các bậc phụ huynh hãy làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Xòe bàn tay ra trước và hướng dẫn trẻ chỉ một ngón tay vào lòng bàn tay (bạn cũng có thể cùng đặt tay lên chơi cùng trẻ).
Bước 2: Bắt đầu đọc to bài
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Chấp dế đi tìm
Ù à ù ập”
Bước 3: Khi đọc đến chữ “ập” thì bạn hãy nắm tay lại để giữ ngón tay của trẻ. Còn trẻ thì phải nhanh chóng rút tay ra để không bị bắt lấy ngón tay.
Luật chơi: Nếu người xòe tay bắt được ngón tay của người chơi thì họ sẽ thắng và ngược lại.
3. Trò chơi bắt chước
Bắt chước là một trong các kỹ năng cơ bản và cần thiết đối với mỗi đứa trẻ. Trẻ nhỏ sẽ học hỏi và thực hiện theo các hoạt động, cử chỉ và cảm xúc hàng ngày của những người xung quanh để có thể hình thành nên suy nghĩ, nhận thức của chính mình.
Ảnh: Trò chơi bắt chước
Tuy nhiên, khả năng bắt chước của trẻ tự kỷ cũng gặp nhiều hạn chế nên các bậc phụ huynh cũng nên hỗ trợ cải thiện để trẻ có thể linh hoạt hơn. Việc áp dụng các trò chơi bắt chước với trẻ tự kỷ còn có thể giúp trẻ gia tăng được sự tương tác và kích thích tò mò ở trẻ.
Cha mẹ hãy dạy con bằng các trò chơi bắt chước để trẻ có thể kiểm soát tốt các hành vi bất thường của tự kỷ.
Tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của mỗi đứa trẻ mà cha mẹ cũng nên lựa chọn các trò chơi bắt chước từ đơn giản cho đến phức tạp để trẻ có thể dễ dàng thực hiện, giúp trẻ phấn kích và nỗ lực nhiều hơn. Các bậc phụ huynh có thể áp dụng cách trò chơi bắt chước như:
Hướng dẫn trẻ cách bắt chước thô, ví dụ như vẩy tay, vỗ tay, đạp chân, xoay vòng,…
Hướng dẫn trẻ bắt chước các thao tác trên đồ vật, ví dụ như đánh trống, gõ vào bàn, đẩy xe, nhặt đồ chơi,…
Dạy trẻ bắt chước vận động tinh, ví dụ như vẽ tranh, nặn đất sét,…
Dạy trẻ chơi bắt chước với các biểu cảm gương mặt, ví dụ như cười, nhe răng, làm mặt xấu, cau mày,….
Khi trẻ có thể làm theo và thực hiện tốt các trò chơi thì cha mẹ hãy khen ngợi, tuyên dương để trẻ có thêm nhiều động lực hơn nữa. Hoặc khi trẻ hoàn thành được một hoạt động phức tạp, khó khăn nào đó thì các bậc phụ huynh cũng có thể dành cho con những món quà mà con yêu thích.
4. Trò chơi kéo cưa lừa xẻ giúp tăng tương tác cho trẻ tự kỷ
Trò chơi kéo cưa lừa xẻ cũng là một trong các trò chơi dân gian phù hợp với nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ tự kỷ đang bị khiếm khuyết về khả năng giao tiếp. Trò chơi kết hợp cùng với một lời bài hát vui nhộn, trong sáng giúp trẻ có thể tương tác và gia tăng trí nhớ hiệu quả.
Ảnh: Trò chơi kéo cưa lừa xẻ
Đối với trò chơi này, chỉ cần 2 người cùng bắt cặp với nhau là có thể chơi được thoải mái. Không gian chơi cũng không đòi hỏi quá rộng rãi bởi nó không cần di chuyển hay hoạt động quá nhiều. Cha mẹ có thể chơi cùng con trong phòng ngủ, ngoài phòng khách, sân chơi,…
Kéo cưa lừa xẻ giúp trẻ tự kỷ cải thiện tốt khả năng ngôn ngữ.
Tuy nhiên, để có thể chơi được thành thạo trò chơi này, trước tiên bạn cần học thuộc và dạy cho trẻ bài đồng dao “Kéo cưa lừa xẻ”. Sau đó cùng chơi theo hướng dẫn:
Hai người ngồi đối diện với nhau, cùng nắm lấy tay của nhau, hai lòng bàn chân chạm vào nhau.
Cả hai cùng nhau hát bài đồng dao, vừa hát vừa đẩy và kéo tay nhau giống như động tác kéo cưa.
“Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ”
Trong thực tế thì trò chơi này không phân biệt thắng thua. Nhưng nếu muốn tăng thêm phần kích thích thì cha mẹ có thể đặt thêm quy định riêng cho trò chơi. Ví dụ như khi hát đến cuối bài, người nào bị đẩy về phía sau thì là người thua.
Cách chơi hiệu quả đối với trẻ tự kỷ
Các trò chơi được gợi ý trong bài viết này có thể hỗ trợ trẻ tự kỷ gia tăng khả năng tương tác, giao tiếp tốt hơn với mọi người xung quanh và cải thiện tốt các khiếm khuyết về hành vi, trí tuệ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng thành công và hiệu quả thì các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến cách chơi phù hợp với từng trẻ.
Cụ thể một số lưu ý cần nhớ như sau:
1. Cần lựa chọn trò chơi và mức độ chơi phù hợp
Mỗi trẻ tự kỷ đều sẽ có những đặc điểm và mức độ khiếm khuyết khác nhau. Chính vì thế mà cha mẹ cần chú ý quan sát và hiểu rõ về những hành vi, mong muốn của trẻ để có thể áp dụng các trò chơi phù hợp.
Đồng thời, ở từng độ tuổi khác nhau, trẻ cũng có khả năng thích ứng khác nhau với những trò chơi riêng biệt. Khi mới bắt đầu cùng trẻ chơi, phụ huynh nên ưu tiên chơi những trò chơi đơn giản, ít thao tác để trẻ có thể dễ thực hiện và dần tăng sự hứng thú của mình.
2. Giải thích cặn kẽ về trò chơi
Đây là một trong các bước vô cùng quan trọng và cần thiết trước khi áp dụng các trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ. Trẻ nhỏ cần hiểu rõ về luật chơi, cách chơi để có thể dễ dàng hòa nhập vào trò chơi.
Có thể lúc đầu trẻ sẽ không quá hứng thú hoặc thậm chí là phớt lờ, không quan tâm nhưng các bậc phụ huynh hãy kiên nhẫn để giải thích cặn kẽ và hướng dẫn cách chơi một cách chi tiết để trẻ hiểu rõ. Sau một vài lần chơi trẻ sẽ dần bị thu hút bởi điều đó và bắt đầu hòa nhịp tốt hơn.
3. Dành thời gian chơi cùng trẻ
Ảnh: Dành thời gian chơi cùng trẻ
Để gia tăng sự tương tác và khả năng giao tiếp của trẻ tự kỷ, cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ liên tục chơi một mình mà cần phải dành nhiều thời gian để cùng trẻ vui chơi. Đồng thời, hãy linh hoạt thay đổi các trò chơi khác nhau để gia tăng sự thích thú của trẻ, tránh tình trạng bị nhàm chán.
4. Khen ngợi và động viên trẻ
Bất kể đứa trẻ nào cũng mong muốn được công nhận và khen ngợi. Vì thế, khi chơi cùng trẻ, nếu trẻ thực hiện và chơi tốt một trò chơi nào đó thì cha mẹ cũng đừng ngần ngại dành cho con những lời khen ngợi, tuyên dương. Đây chính là động lực to lớn để trẻ có thể cố gắng và phấn đấu nhiều hơn nữa.
5. Tạo không gian vui chơi an toàn cho trẻ
Mặc dù hầu hết các trò chơi tương tác với trẻ tự kỷ đều không cần quá nhiều không gian rộng lớn để vận động. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên ưu tiên lựa chọn những không gian yên tĩnh, thoáng mát và an toàn để trẻ có thể thoải mái vui đùa, giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn khi cùng chơi với cha mẹ.
Bài viết trên đây đã chia sẻ một số trò chơi tương tác cho trẻ tự kỷ để giúp trẻ có thể năng động và nâng cao khả năng giao tiếp với xã hội. Mong rằng các bậc phụ huynh có thể lựa chọn được trò chơi phù hợp với đặc điểm của mỗi trẻ và cùng đồng hành để trẻ có thể mau chóng cải thiện tốt các khiếm khuyết, hòa nhập hiệu quả với cộng đồng.
Bài viết liên quan: Bể bơi phao cho bé: Kinh nghiệm lựa chọn để bé vui đùa ngày hè
Bài viết liên quan: Cách chơi với trẻ để giúp bé phát triển nhận thức và kỹ năng
Bài viết liên quan: Chơi cùng trẻ: Cách giúp trẻ thoải mái và tự tin hơn